Tiếp theo bài viết hôm trước bàn về Technical perspective của năng lực tự học, bài viết này bàn về một quan điểm khác của năng lực tự học, được gọi là Psychological perspective(1). Trong khi Technical perspective cho rằng năng lực tực học của một người được xuất phát bởi môi trường, thì Psychological perspective ngược lại. Psychological perspective cho rằng năng lực tự học được phát triển nhờ vào yếu tố tâm lý bẩm sinh của con người. Do vậy, một số người sinh ra là đã có xu hướng tự tìm tòi, học hỏi, ít chịu lệ thuộc vào sự hướng dẫn/truyền thụ của người khác.
Có thể nói quan điểm Psychological này xuất hiện đầu tiên trong lý luận nghiên cứu về tự học. Lý luận của quan điểm này bắt đầu từ bản chất hiếu kỳ trời sinh của con người. Khi con người sinh ra, họ luôn có nhu cầu tìm hiểu về thế giới xung quanh. Tuy nhiên, phương cách tìm hiểu có thể không giống nhau. Một số luôn lệ thuộc và chờ đợi sự hướng dẫn từ người khác, nên kiến thức của họ phần lớn được gói gọn trong phạm vi những điều được người khác truyền lại. Trong khi đó, một số thích tự mày mò, tự hỏi han, và tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau để nâng cao kiến thức của mình. Số người này được gọi là có năng lực tự học cao. Đây là lý do chính để những người theo quan điểm này kết luận rằng năng lực tự học là bẩm sinh.
Tuy nhiên, nếu nói rằng đây là một năng lực bẩm sinh thì nó có phát triển hay không? Không lẽ năng lực đó cứ tồn tại như một hằng số trong mỗi con người từ lúc sinh ra đến lúc già? Nếu nó có phát triển trong quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân thì có nghĩa là nó có thể bị tác động từ các yếu tố liên quan đến môi trường bên ngoài. Vì cơ bản thì các yếu tố tâm lý của con người sẽ có phần thay đổi trong quá trình trưởng thành. Nhiều trẻ em lúc nhỏ rất phá phách và hư hỏng, nhưng khi lớn lên thì chững chạc lại. Như vậy có thể thấy rằng môi trường có ảnh hưởng nhất định đến năng lực tự học của con người. Lối lập luận này cũng phù hợp với tác động của giáo dục đối với sự phát triển của mỗi cá nhân.
Tóm lại, nếu cho rằng năng lực tự học chỉ xuất phát từ môi trường học tập là phiến diện. Nhưng nếu cho rằng nó chỉ xuất phát từ các yếu tố tâm lý thì cũng là phiến diện luôn. Do vậy, đã ra đời thêm một quan điểm khác nữa về năng lực tự học và tôi sẽ đề cập đến ở bài sau.
Benson, P. (2001). Teaching and researching autonomy in language learning. London: Longman.
Oxford, R. (2003). Toward a more systematic model of L2 learner autonomy. In D. Palfreyman & R. Smith (Eds.), Learner autonomy across cultures: language education perspectives (pp. 75-91). New York: Palgrave Macmillan.
- 7645 views