Như đã đề cập ở bài trước, tự học là một năng lực khá phức tạp. Cách dùng từ trong tiếng Anh để chỉ về năng lực tự học nói lên lĩnh vực mà người viết/nói muốn đề cập đến. Trong loạt bài này, tự học mà tôi nói đến là dịch ra từ cụm từ learner autonomy trong tiếng Anh. Dù phạm vi của tự học đã được giới hạn lại như thế, nhưng năng lực tự học này vẫn được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Chính điều này đã tạo nên những tranh luận trong việc nghiên cứu về loại năng lực này. Bài viết này trình bày sơ lượt về quan điểm gọi là Technical trong vấn đề tự học.
Technical perspective(1) trong nghiên cứu về tự học dường như được bắt đầu sử dụng cách đây khoảng một thập kỷ. Dù trước đó đã có nhưng người ta không gọi tên nó như thế. Quan điểm này dùng để chỉ một trường phái xem tự học như một loại năng lực có thể được phát triển hoặc bị hạn chế hoàn toàn do môi trường sống. Điều này có nghĩa là một cá nhân có năng lực tự học cao hay thấp là vì những tác động của môi trường sống đối với cá nhân đó. Bất kỳ cá nhân A hay cá nhân B, không phân biệt là người gốc Á hay gốc Âu, nếu được đặt trong một môi trường giáo dục giống nhau, thì sẽ có năng lực tự học giống nhau.
Điển hình của quan điểm này là sự ra đời của những sản phẩm gọi là autonomous activity và autonomous environment. Có nghĩa là nếu ta thiết kế được một hoạt động học tập tự học, thì khi bất kỳ sinh viên nào tham gia vào hoạt động học tập đó cũng sẽ trở nên tự học tốt. Chính vì thế mà có sự ra đời của autonomous environment và đỉnh cao nhất của nó là những trung tâm tự học, tiếng Anh gọi là self-accessed learning centre hay self-directed/self-instructed learning centre. Người ta lý luận rằng nếu chuẩn bị cho người học đầy đủ các phương tiện học tập như sách vở, tài liệu, băng đĩa... thích hợp với sở thích và trình độ của họ thì họ sẽ học tập một cách tự động (autonomously). Như vậy để nâng cao năng lực tự học cho học sinh, giáo viên và nhà trường cần phải tổ chức nhiều hoạt động tự học và môi trường tự học.
Quả thật như thế, ở rất nhiều trung tâm học tập hay thư viện, người học đã vào học tập và nghiên cứu rất say mê. Mặc dù ra bên ngoài, người học có thể trở nên lười biếng, không đọc sách, không chú ý đến sách vở nhưng khi vào môi trường lý tưởng cho học tập như thế, họ tự động chú tâm vào học tập và tự giác thực hiện các hoạt động học tập cho riêng mình mà không cần trợ giúp như khi trên lớp học.
Để tranh luận rằng quan điểm technical về năng lực tự học là phiến diện, người ta đã chứng minh phản đề bằng cách lý luận rằng không có sự tồn tại của cái gọi là autonomous activity và autonomous environment bởi vì một điều kiện lý tưởng cho học tập không nhất thiết sẽ làm cho người ta sẽ học. Ví vụ cho trường hợp này là có một số người vào thư viện hay trung tâm để học nhưng khi vào đó thì họ chỉ ngủ hoặc là lên mạng để vui chơi giải trí mà không hề tham gia vào các hoạt động học tập. Một ví dụ khác là vì sao các em học sinh cùng sinh ra ở một ngôi làng nhỏ giống nhau, có hoàn cảnh gia đình tương tự nhau, đi học cùng lớp, cùng chương trình và cùng sách vở... nhưng các em lại không thể có cùng một mức năng lực tự học.
Những lập luận trên cho thấy rằng sự nhìn nhận về năng lực tự học của Technical perspective có giá trị của nó nhưng thật sự không hoàn thiện. Nó có thể dùng để giải thích những ảnh hưởng của môi trường và hoạt động học tập mà người học tham gia đối với năng lực tự học của họ. Song nó không phản ánh hết bản chất vấn đề. Và đó cũng là lý do cho sự ra đời của một trường phái mới mà tôi sẽ đề cập ở bài viết sau.
Note
(1) Benson, P. (2001). Teaching and researching autonomy in language learning. London: Longman.
- 7257 views