Thật sự tôi cũng không biết dùng từ gì cho chính xác để diễn tả thuật ngữ Research Paradigm (RP) cho đúng nghĩa. Hơn nữa, bản thân từ RP cũng bị cho là có vấn đề và một số trường phái tránh dùng từ này, chuyển qua dùng từ World View (WV). Sở dĩ có hiện tượng này là vì RP có vẽ như được hàm ý thiên về một trường phái nào đó, trong khi WV lại mang tính trung lập hơn. Hiện tượng dùng từ này thực chất hàm ý sâu xa hơn, nó là một cuộc tranh luận giữa những người có quan điểm khác nhau về cuộc sống, về kiến thức, về nhân loại...
RP hay WV là một câu chuyện dài nhiều tập và thường có khả năng gây ngủ cao cho sinh viên trong các lớp học về phương pháp nghiên cứu. Thậm chí đối với những sinh viên bắt đầu vào nghiên cứu, những cuộc bàn luận về RP/WV cũng không ngăn nổi các cơn ngáp kéo dài. Lý cho chính là thường ở bậc sinh viên, chúng ta không muốn quan tâm nhiều lắm đến các triết lý cao xa mà chỉ mong làm sao cho xong cái nghiên cứu bé nhỏ của mình. Tuy nhiên, nắm vững về RP lại có tầm ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến tư duy của mỗi người làm nghiên cứu. Quan điểm của một người về thế giới quan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các phương pháp tiếp cận về vấn đề nghiên cứu.
Ví dụ Trường hợp 1. Theo tôi sự hiểu biết của nhân loại được tạo nên từ việc trao đổi và thống nhất giữa con người với nhau (Constructivism). Sở dĩ tôi cho rằng "giáo viên giỏi thì học trò sẽ giỏi" là vì tôi đã từng nói chuyện với nhiều người, từng nghe nhiều người phát biểu, từng đọc sách báo nói như thế. Những người này đồng ý với nhau như vậy và tôi cũng đồng ý như vậy. Vì thế khi nghiên cứu, để biết được sinh viên A có sức học ra sao trong một lớp nào đó thì tôi đã hỏi nhiều người có liên quan đến sinh viên A về khía cạnh học tập môn học đó. Tôi đã hỏi bạn học, thầy cô, và phụ huynh của sinh viên A để xác định được một mức nào đó về sức học của học sinh A mà tất cả những người liên quan đều đồng ý.
Ví dụ Trường hợp 2: Theo tôi sự hiểu biết của nhân loại là do quá trình tìm ra được qui luật (Positivism). Mọi kiến thức trên thế gian này đều có qui luật của nó và có nhiều cái chúng ta không hiểu là vì chúng ta chưa tìm ra được qui luật của nó. Vì thế để biết về sức học của một học sinh B trong một lớp học nào đó, tôi đã xây dựng một bộ qui luật, được thể hiện ở dạng một bài kiểm tra chẳng hạn rồi bảo học sinh B đó làm. Tùy theo kết quả của học sinh B khi làm bài kiểm tra đó mà tôi xác định được sức học của học sinh B.
Hai ví dụ đơn giản trên minh họa cho mối liên hệ giữa RP và quá trình thực hiện nghiên cứu. Dĩ nhiên phân tích từng ví dụ sẽ thấy được nhiều ưu nhược khác nhau. Đó có thể sẽ là nội dung của một bài viết khác.
- 66225 views