Hôm nay đọc bài Cô giáo rớt viên chức do thiếu số đo vòng ngực trên báo Tuổi Trẻ và được rất nhiều báo khác đăng lại. Xem qua một loạt các ý kiến xung quanh vấn đề, tôi chợt nhớ lại chuyện của cá nhân mình vào hơn chục năm về trước. Lúc đó tôi cũng là một một sinh viên trường Sư phạm mới tốt nghiệp và đang cố gắng tìm cho mình một công việc nào đó. Biết tin Trường A tổ chức thi tuyển công chức ngạch Giảng viên, tôi đã nộp đơn vào để dự tuyển. Trong số nhiều chỉ tiêu, thì Trường A tuyển 1 chỉ tiêu cho ngành Giảng dạy tiếng Anh và tôi đã đăng ký theo ngành đó.
Tôi đã đến trường, làm hồ sơ để dự tuyển và nộp lệ phí như bình thường. Lúc đó vì mới ra trường nên tôi chỉ có Giấy chứng nhận Tốt nghiệp chứ chưa có bằng chính thức. Vì thế trong hồ sơ dự tuyển của tôi chỉ có Giấy chứng nhận Tốt nghiệp và bảng điểm chi tiết mà không có bằng. Sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ, tôi được thông báo là đến ngày D tập trung về trường để thi tuyển. Tôi đã xem qua các văn bản nói về nội dung và hình thức thi. Xong xuôi, khi ngày D đến, tôi đã tới trường để thi.
Khi đến trường, tất cả các thí sinh đều được yêu cầu tập trung trước phòng thi để được gọi tên vào phòng thi. Trong khi tôi đang đứng ở khu vực này thì Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ của Trường A đến chổ tôi và nói với tôi rằng tôi không đủ điều kiện dự thi vì tôi chưa có bằng. Ông ta nói tôi đi theo ông ta lên phòng để nhận lại hồ sơ là lệ phí thi. Trước tình huống khá bất ngờ, một sinh viên mới ra trường như tôi không biết cách gì để xử lý và chỉ biết làm theo sự sắp đặt của "tổ chức" mà thôi.
Tôi theo ông ta lên phòng và nhận lại hồ sơ cũng như tiền lệ phí thi mà tôi đã đóng. Sau đó quay về với cảm giác trống rỗng vì không hiểu sao sự việc lại xảy ra như vậy. Sau đó tôi được biết người trúng tuyển vào vị trí này là một người học cùng trường, cùng ngành với tôi nhưng thi Tốt nghiệp sau tôi 3 tháng. Tôi có hỏi vài bạn khóa đó và được biết là họ cũng chưa hề có bằng như tôi. Vì tôi học khóa trước mà còn chưa có bằng thì họ thi Tốt nghiệp sau như vậy làm sao có?!
Theo tôi nghĩ thì họ "sắp xếp" để tôi không tham dự nhằm tránh những rắc rối cho thí sinh kia vì kết quả học tập của tôi có khả năng cạnh tranh quá lớn. So lại với trường hợp của những người "ngực lép" trong bài báo thì cũng thấy rằng họ có kết quả rất cạnh tranh. Từ đó để thấy rằng việc "ngực lép" hay "người quá khổ" hay "nhìn không thiện cảm" hay gì gì đó thì đều là những sản phẩm "nghệ thuật" của giới quản lý Giáo dục của nhà ta cả thôi. Không có gì lạ!!!
Viết cái này tôi chợt nhớ đến mối quan hệ giữa Knowledge và Power. Hẹn hôm nào đó sẽ viết về vấn đề này.
- 45467 views