Lần trước tôi có vài nhận xét về việc nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu thông qua hai ví dụ để minh họa. Hôm nay đọc báo lại thấy bài Người Việt online nhiều gấp hai lần xem TV trên VnExpress và nhiều báo khác (tôi trích lại bên dưới). Định không bàn thêm làm gì nhưng thấy báo này dẫn nguồn cũng "cứng" cho nên viết vài dòng vậy.
Thứ nhất, tôi thấy hơi lạ ở số lượng mẫu. Với số người tham gia khảo sát là 1.094 mà tác giả có thể dùng để đại diện cho dân số Việt Nam thì nghe có vẽ hơi ngây thơ. Chỉ tính riêng những khác nhau về độ tuổi và vùng miền địa lý của dân số Việt Nam cũng đủ thấy rằng con số hơn 1000 kia chả là cái gì cả. Nó thậm chí chưa đủ thể tượng trưng (represent) cho một thành phố trung bình ở Việt Nam, đừng nói chi là có khả năng tượng trưng cho cả nước Việt Nam.
Thứ hai, bài viết không nói rõ khảo sát này được thực hiện như thế nào. Tôi có tìm trên mạng để xem có thêm manh mối hay là bài gốc hay không nhưng chỉ thấy được cái chương trình với bio của tác giả nên chịu. Ở đây tôi tạm đặt ra ba khả năng (dĩ nhiên có nhiều khả năng hơn nữa). Một là khảo sát này được thực hiện trực tiếp, tức là người ta đưa bảng khảo sát đến người tham gia hoặc đến hỏi trực tiếp người tham gia. Hai là người ta thực hiện qua điện thoại. Ba là thực hiện qua internet như khảo sát trực tuyến hay qua email.
Nếu khảo sát này được thực hiện theo cách thứ ba nêu trên thì kết quả này không có gì đáng nói cả. Vì nếu khảo sát trên internet thì chỉ có người dùng internet mới có thể tiếp cận và tham gia được. Vậy thì đối tượng tham gia này là những người Việt Nam dùng internet chứ không phải là những người Việt Nam. Vậy nên ví dụ như câu này:
Thời gian lên mạng trung bình là 5,6 giờ trong một ngày và gần như mọi ngày trong tuần (đạt 36 giờ/tuần). Trong khi đó, người Việt thường bỏ ra 2,7 giờ mỗi ngày (đạt 14 giờ/tuần) để xem TV, với báo, tạp chí là 1,5 giờ trong ngày và nghe radio thấp hơn một chút, 1,4 giờ một ngày.
nên được viết là (dựa theo câu chữ của chính tác giả):
Đối với những người sử dụng internet ở Việt Nam, thời gian lên mạng trung bình của họ là 5,6 giờ trong một ngày và gần như mọi ngày trong tuần (đạt 36 giờ/tuần). Trong khi đó, những người này thường bỏ ra 2,7 giờ mỗi ngày (đạt 14 giờ/tuần) để xem TV, với báo, tạp chí là 1,5 giờ trong ngày và nghe radio thấp hơn một chút, 1,4 giờ một ngày.
Nếu ai có thông tin gì về bài gốc của tác giả Sergio Salvador. Xin cho tôi biết với. Xin cảm ơn.
============================
Trích bài báo từ: http://vnexpress.net/gl/vi-tinh/2011/09/nguoi-viet-online-nhieu-gap-hai-lan-xem-tv/
Người Việt online nhiều gấp hai lần xem TV
81% người Việt tham gia khảo sát của Google truy cập Internet thường xuyên và thời gian dành cho online mỗi ngày là 5,6 giờ.
Báo cáo được ông Sergio Salvador, Trưởng bộ phận phát triển kinh doanh của Google tại khu vực Đông Nam Á, trình bày tại Hội thảo CyberAgent Net Impact (gặp gỡ các nhà quản trị của các công ty Internet tại Việt Nam và thế giới để thảo luận chiến lược kinh doanh cuối tuần qua tại TP HCM).
Theo đó, thống kê năm 2010 với sự tham gia của 1.094 người Việt Nam cho thấy 81% dành thời gian cho Internet trong khi với TV là 57% còn báo và tạp chí 36%, radio là 12%.
Thời gian lên mạng trung bình là 5,6 giờ trong một ngày và gần như mọi người trong tuần (đạt 36 giờ/tuần). Trong khi đó, người Việt thường bỏ ra 2,7 giờ mỗi ngày (đạt 14 giờ/tuần) để xem TV, với báo, tạp chí là 1,5 giờ trong ngày và nghe radio thấp hơn một chút, 1,4 giờ một ngày.
Google cũng đánh giá thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, năm 2009 chỉ có 16% số người tham gia nghiên cứu mua sắm trên mạng, nhưng một năm sau con số này lên đến 73%.
"Có đến 80% người dùng tìm hiểu kỹ các tính năng thông qua Internet trước khi có quyết định mua hàng", ông Salvador cho biết.
Đại diện của Google cũng cho rằng muốn kinh doanh thành công cần bốn bước cơ bản: quốc tế hóa website, tìm và nắm bắt nhu cầu, đo lường và sàng lọc. Những việc cần làm để quốc tế hóa trang web là: ngôn ngữ rõ ràng, sử dụng thuật ngữ thị trường mục tiêu (như dùng cell phone hay mobile phone), niêm yết giá, tiền tệ, dịch ngôn ngữ...
=================================
- 57006 views