Trong một bài viết trước đây, tôi đã từng đề cập đến câu hỏi thế nào là nghiên cứu và thế nào không phải là nghiên cứu. Có lẽ đây là vấn đề xưa như trái đất và quá đơn giản đối với những người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiên cứu, nhưng đối với những người chuẩn bị bước vào hay mới đặt chân vào con đường nghiên cứu thì đây quả là một chuyện không nhỏ. Để bao quát được vấn đề này, chắc chắn phải tốn nhiều giấy mực. Trong bài viết này tôi không có ý định khái quát về mặt lý thuyết mà chỉ muốn đưa ra một ví dụ cụ thể và nhìn vấn đề ở một góc độ rất thực tế trong tình hình của Khoa học Giáo dục hiện nay ở Việt Nam.
Khi góp ý một hướng nghiên cứu, đọc một đề cương, hay đánh giá một đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Giáo dục nói riêng, chúng ta làm sao để biết được đó có phải là nghiên cứu hay không? Lấy ví dụ Đề tài A như sau:
Nội dung cơ bản: Khảo sát sự giống và khác nhau trong hệ thống Đào tạo Đại học giữa các nước Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để phát triển một mô hình Giáo dục Đại học phù hợp hơn cho Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu là: khảo sát, phỏng vấn, chuyên gia.
Hỏi: Đây có phải là một nghiên cứu khoa học hay không?
Đáp: Không thể trả lời được.
Sở dĩ có câu trả lời trên là vì hướng đi này hoàn toàn có thể phát triển thành một nghiên cứu nhưng cũng có thể nó sẽ không thành nghiên cứu. Căn cứ vào 2 câu trong phần Nội dung cơ bản, có thể thấy câu 1 đề cập đến mục tiêu và hướng nghiên cứu, còn câu 2 đề cập đến phương pháp.
Mục tiêu nghiên cứu thì không có gì đáng bàn trong trường hợp này.
Xét về hướng nghiên cứu, có thể thấy đề tài này tập trung vào việc so sánh 4 hệ thống Đào tạo Đại học với nhau. Về cơ bản mà nói thì đề tài này sẽ chỉ ra hệ thống Giáo dục Đại học ở 4 nước kia có triết lý giáo dục gì, gồm những bậc nào, thời gian học là mấy năm, những ngành học gì, chương trình học ra sao, giáo viên như thế nào, hình thức học tập thế nào... Sau đó tổng hợp hết lại các chi tiết này và đem ra so sánh với nhau. Nếu làm như thế này thì có thể nói đây là một dạng tổng hợp thông tin và đối chiếu so sánh, chứ có lẽ chưa thể gọi là nghiên cứu khoa học. Vì những thông tin này đều ở dạng sự kiện (facts) và chỉ cần tìm đủ tin rồi tổng hợp so sánh. Và sau cùng bài học rút ra là gì? Chưa làm cũng có thể nói được rằng đó là: Hệ thống Giáo dục Đại học ở các nước này có những tương đồng nhưng cũng có những dị biệt. Còn vì sao có những dị biệt đó thì không thể nói được. Có phải đó là vì điều kiện kinh tế xã hội khác nhau? Văn hóa khác nhau?... Những lý giải này không có cơ sở vì không có dữ liệu nào có liên quan đến các yếu tố này được thu thập và phân tích. Cho nên chả có bài học nào hay là mô hình tối ưu nào được rút ra cho Việt Nam cả. Như vậy mục tiêu của đề tài đã không đạt được.
Tuy nhiên, nếu hướng nghiên cứu tập trung vào đặc điểm hệ thống Giáo dục Đại học của từng nước, rồi nêu ra những ưu điểm, nhược điểm của từng phần, tác động của những ưu nhược này đối với xã hội. Trên cơ sở đó đối chiếu với tình hình ở Việt Nam, xem ưu và nhược của hệ thống ở Việt Nam là gì và nếu áp dụng phần nào của nước nào thì hệ thống của Việt Nam sẽ được biến đổi ra sao, mang lại những ưu nhược gì. Như vậy thì mục tiêu tìm kiếm mô hình tối ưu cho Giáo dục Đại học Việt Nam của đề tài này có khả năng sẽ đạt được.
Xét về phương pháp nghiên cứu, cách trình bày phương pháp nghiên cứu trong phần Nội dung cơ bản không có ích gì đối với đề tài này. Vì nó chỉ đơn thuần là liệt kê các phương pháp nghiên cứu. Chuyện này dù khá vớ vẫn nhưng vẫn rất hay gặp. Phương pháp nghiên cứu thì phải gắn liền với câu hỏi nghiên cứu, để trả lời câu hỏi nào thì dùng (những) phương pháp nào. Lấy ví dụ dùng phương pháp phỏng vấn như đã liệt kê trong ví dụ trên. Giả sử người nghiên cứu sẽ chọn một số người để phỏng vấn, rồi hỏi họ xem hệ thống Giáo dục Đại học của họ gồm những bậc nào, nhà trường tạo điều kiện gì cho họ công tác, lớp của họ có bao nhiêu sinh viên. Như vậy việc làm này tương tự như việc đánh đố kiến thức của giáo viên xem họ biết những gì về hệ thống của họ, chứ không phải là lấy ý kiến của họ về hệ thống mà họ đang tham gia công tác. Nếu đặt những câu hỏi như thế thì việc làm này thiếu tính chính xác xa so với việc tổng hợp các số liệu thống kê xem ở trường đó, thành phố đó, nước đó có bao nhiêu bậc học, bao nhiêu trường, bao nhiêu giáo viên, bao nhiêu học sinh, chính sách đãi ngộ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp ra sao. Vậy chứng tỏ rằng phương pháp nghiên cứu này không có giá trị gì cả, dẫn đến số liệu thu được cũng có giá trị kém.
Để phát triển những phương pháp này thành những cách thu dữ liệu hợp lý và có giá trị, đương nhiên có nhiều cách. Mời các bạn hãy thử tự phát thảo vậy.
Kết, có thể thấy rằng xây dựng một ý tưởng nghiên cứu là một chuyện nhưng có biến nó thành một cái gọi là nghiên cứu hay không là một chuyện khác. Ai cũng có thể có được ý tưởng nghiên cứu, nhưng để phát triển nó thành một nghiên cứu được mọi người chấp nhận thì chỉ có những người có chuyên môn mới có thể thực hiện được. Nó cũng giống như việc đốn cây để lấy gỗ thì ít nhiều ai cũng có thể làm được, nhưng để biến nó thành một sản phẩm trang trí có giá trị thẩm mỹ cao thì chỉ những nghệ nhân có tay nghề cao mới làm được.
- 8871 views