Có lẽ vấn đề liên quan đầu tiên cần bàn là: Thế nào là nghiên cứu và thế nào không phải là nghiên cứu? Vấn đề tiếp theo là xác định nên sử dụng các kết quả này như thế này như thế nào. Trong bài viết ngắn này, tôi không đi vào các khía cạnh lý thuyết mà muốn chỉ ra 2 ví dụ cụ thể để minh họa cho vấn đề đang bàn.
Ví dụ 1: Bài đăng trên báo Thanh Niên với tựa đề Khi có quá nhiều học sinh giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt!. Tôi trích lại bên dưới. Trong bài viết này, tác giả nhận định rằng trong nhóm học sinh tham gia kỳ thi tuyển kia, có quá nhiều học sinh giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt. Cơ sở của kết luận này là so sánh kết quả của môn thi Tiếng Anh và môn thi Văn (tiếng Việt).
Khi đọc bài này tôi thật sự bất ngờ về cách sử dụng dữ liệu để đi đến luận này. Sở dĩ như thế là vì nếu ta dựa trên kết quả của môn thi tiếng Anh và Văn để so sánh trình độ tiếng Việt và tiếng Anh của học sinh thì có nghĩa là:
- Đề đi tiếng Anh có thể kiểm tra được trình độ tiếng Anh của học sinh ở mức độ đáng tin cậy, và đề thi tiếng Việt có thể kiểm tra được trình độ tiếng Việt của học sinh ở mức độ tin cậy.
- Đề thi tiếng Anh và đề thi thi tiếng Việt phải có độ khó/dể tương đồng. Có nghĩa là nếu đề thi để kiểm tra tiếng Việt có phần viết luận ở độ khó A thì đề thi kiểm tra tiếng Anh cũng cần có phần viết luận (hoặc tương đương) ở độ khó A. Tương tự như thế đối với tất cả các phần khác.
Trong 2 điều kiện cơ bản trên, tôi nghĩ chỉ điều thứ 2 hoàn toàn không được thỏa mãn. Lý do là đề thi để kiểm tra trình độ tiếng Việt (môn Văn) chắc chắn ở trình độ cao hơn trình độ của đề thi tiếng Anh. Như vậy, lấy kết quả một bài thi ở trình độ thấp so sánh với kết quả của một bài thi ở trình độ cao là hoàn toàn vô lý. Nó cũng giống như để so sánh trình độ môn Toán và môn Hóa của học sinh lớp 10, ta lấy đề thi môn Toán ở cấp độ lớp 10 cho các em học sinh làm, rồi lấy đề thi ở cấp độ lớp 5 môn Hóa cho các em học sinh này làm. Sau đó ta thấy kết quả thi môn Hóa của các em cao hơn kết quả thi môn Toán của các em. Vậy ta kết luận rằng các em học sinh này giỏi môn Hóa hơn môn Toán!?!
Ví dụ 2: Trong một báo cáo mà English First (EF) trình bày vào đầu năm 2011 này về trình độ tiếng Anh của học sinh ở nhiều nước trên thế giới. Trong này tổng hợp kết quả làm 4 bài thi kiểm tra trình độ của rất nhiều học sinh trên thế giới. Bốn bài thi này thực hiện trực tuyến (online). Có 2 bài ai thích thì làm và 2 bài dùng để xếp lớp cho những người muốn học tại một cơ sở của EF. Kết quả cho thấy Việt Nam xếp thứ hạng 39 trong tổng số 44 nước được tổng hợp dữ liệu, và thuộc nhóm có trình độ tiếng Anh thấp nhất trong 5 nhóm theo phân loại cao thấp mà EF ấn định.
Dựa theo kết quả này, một tiến sĩ có nhiều năm kinh nghiệm ở Giáo dục Việt Nam nhận định rằng trình độ tiếng Anh của Việt Nam quá kém so với các nước khác. Như vậy có thể thấy người này hiểu rằng kết quả phản ánh trong báo cáo của EF là phản ánh trình độ tiếng Anh của người Việt Nam. Ở đây tôi dẫn ra các căn cứ chứng tỏ kết luận khái quát hóa của người này là sai lầm bằng cách chỉ ra vài vấn đề cơ bản có liên quan đến cách chọn mẫu và đo lường mà chính EF đề cập trong báo cáo của họ.
- Ở trang 20 của bài báo cáo nói rằng mẫu nghiên cứu trong bài báo cáo là tự ý lựa chọn và nó không thể hiện tính tượng trưng cho mỗi quốc gia.
- Đối tượng tham gia tự do, không thể hiện được tính tương đồng so với cơ cấu dân số của từng nước tham gia.
- Các bài kiểm tra đều online, có nghĩa là nếu ai không có internet thì sẽ không tham gia được.
- Các bài kiểm tra là của EF, cho nên nếu ai không quan tâm đến EF thì thường là không tham gia.
- Các bài kiểm tra mà EF đưa ra là do họ thiết kế và không có chi tiết nào trong bài báo cáo thể hiện rằng bài kiểm tra này có độ tin cậy được chấp nhận khi thực hiện với các đối tượng ở Việt Nam. Tức là các đặc điểm về văn hóa xã hội của Việt Nam cũng như các nước khác được thể hiện như thế nào trong bài kiểm tra để tăng độ tin cậy của bài kiểm tra kia không được nhắc đến.
- ...
Cả 2 ví dụ thực tế này cho thấy cần cẩn thận khi dùng kết quả của một nghiên cứu để cho ra một kết luận. Để biết được khả năng ứng dụng của một kết quả nghiên cứu đến đâu, ta cần xem kỹ tất cả các quá trình xây dựng nghiên cứu đó, từ việc xây dựng công cụ (instrument), thiết kế đo lường (measurement), cho đến việc chọn mẫu (sampling), quy trình thực hiện và phân tích kết quả.
===============================================
Khi có quá nhiều học sinh giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt!
15/07/2011 1:00
Cuối tháng 6 vừa qua, trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 6. Đây được xem là kỳ thi khó với hơn 3.600 học sinh tham gia và tỷ lệ chọn chỉ khoảng 1/10.
Nếu phân loại theo môn thi, chỉ có một em đạt 9 điểm môn văn, 22 em đạt điểm 10 toán và 2 em đạt điểm 10 tiếng Anh. Một con số quá nhỏ so với hơn 3.600 học sinh rất giỏi đã lọt qua vòng đăng ký dự thi vào trường Trần Đại Nghĩa.
So sánh kết quả thi giữa các môn, ta còn bất ngờ hơn. Gần một nửa số em dự thi (40,6%) có điểm văn và tiếng Việt dưới trung bình. Hơn 1/4 số em thi toán dưới 4 điểm. Và không biết vui hay buồn, khi các em đều thi tốt tiếng Anh, chỉ có 56 em (1,54%) có điểm dưới trung bình. Chẳng lẽ các em học tiếng nước ngoài tốt hơn tiếng mẹ đẻ và môn toán!?
Nếu kết quả thi trên là khách quan (mà tôi tin là khách quan), thì rất đáng cho chúng ta suy nghĩ về thực trạng giáo dục và thi cử hiện nay. Bởi 3.648 học sinh giỏi tham gia kỳ thi này đại diện cho nhiều trường và có điểm thi tốt nghiệp rất cao (trên 19 điểm cho 2 môn toán và văn).
Tiến sĩ Trần Hồng Quang
================================================
- 6651 views