Hôm nay, ngày cuối tuần, tôi xin chia sẽ vài suy nghĩ về trải nghiệm tham dự hội thảo của mình. Số lần tham dự hội thảo của tôi đến giờ này có thể nói là không nhiều lắm, tuy nhiên nó bao gồm nhiều qui mô và hình thức khác nhau. Gồm những cái rất nhỏ dạng như seminar hay workshop, chỉ gói gọn trong nữa ngày hoặc một ngày. Rồi đến những cái như symposium về một chủ đề cụ thể nào đó và những conference lớn hơn, kéo dài gần cả tuần. Trong bài viết này, tôi gọi chung là Hội thảo cho tiện.
Đối với những người bình thường đi dự hội thảo, theo quan sát của tôi có thể chia làm ba loại như sau:
- Đi nghe bài trình bày của những người nổi tiếng hoặc người mà mình quan tâm
- Đi nghe những bài trình bày thuộc chủ đề mà mình quan tâm
- Đi nghe những người nổi tiếng trình bày các chủ đề mà mình quan tâm
Tôi gọi là người bình thường đi dự hội thảo để phân biệt với các vị như lãnh đạo hay quan khách của hội thảo. Vì những người này thường không có mặt ở hội thảo lâu và mục đích chính của họ đương nhiên có khác với những người đi dự hội thảo bình thường khác.
Trở lại với ba loại tham gia hội thảo trên, có thể thấy loại thứ nhất và thứ hai khá rạch ròi trong suy nghĩ, còn loại thứ ba thì lẫn lộn giữa hai loại kia. Đối với những hội thảo có qui mô nhỏ, người tham dự thật sự không có nhiều lựa chọn do số lượng bài trình bày ít. Còn ở những hội thảo lớn, người tham dự buộc phải thực hiện những lựa chọn của mình. Nhóm người thích đi nghe những người nổi tiếng thường là những người senior, họ quan tâm nhiều hơn đến những bài phân tích, bình luận, thể hiện tư tưởng ở mức độ khái quát hóa cao. Điều đó cũng có nghĩa là những người có tiếng tăm trong một lĩnh vực nào đó, thường họ có những bài nói chuyện thiên về lý luận (theory, advocacy) hơn là nói về một nghiên cứu cụ thể (empirical, specific). Nghe những người này thì có thể học được những tổng kết hiện trạng, nhận định về xu hướng hay tiên đoán về tương lai của một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, rất có thể rằng lĩnh vực đó không gắn chặt với lĩnh vực nghiên cứu cụ thể của người tham dự.
Nhóm người thứ hai là những người quan tâm đến những nghiên cứu cụ thể của lĩnh vực mà họ quan tâm. Họ thường xem tên hoặc chủ đề của các bài trình bày để quyết định tham dự. Vì thế những bài trình này đều thường có cùng chủ đề. Tuy nhiên, sẽ có hiện tượng vàng thau lẫn lộn vì những người trình bày này có thể ở nhiều mức độ khác nhau của một lĩnh vực nghiên cứu. Có thể có cả những sinh viên, những người mới tập tễnh bước vào nghiên cứu hoặc có thể có cả những người không có kiến thức nền thật vững về nghiên cứu. Bù lại thông thường những người tham dự những bài trình bày này lại có cùng mối quan tâm về một lĩnh vực, nên rất tốt cho việc thảo luận và thiết lập mối quan hệ.
Nhóm thứ ba là nhóm lẫn lộn giữa hai nhóm trên. Dù họ quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu của họ, nhưng họ chỉ tham dự những bài trình bày mà theo họ là có chất lượng, được thể hiện qua tên của người trình bày. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này là khá cao đối với một hội thảo và không thể luôn luôn kiếm được những bài trình bày thỏa mãn cả 2 yếu tố trên.
Đối với cá nhân tôi, có thể tôi thuộc nhóm thứ hai. Ở một số hội thảo, tôi đã vô tình gặp liên tục một vài người ở nhiều bài trình bày khác nhau. Lý do là vì chúng tôi đều có cùng mối quan tâm về lĩnh vực nghiên cứu đó. Như đã nhắc ở trên, chính điều đó đã giúp tôi xây dựng được mối quan hệ trong nghiên cứu và đương nhiên là có những cuộc nói chuyện rất hạp về chủ đề nghiên cứu đó.
- 5710 views