Hôm nay tôi đi dự buổi tọa đàm có tên gọi là Trí thức và Khoa học do một diễn giả người Việt Nam trình bày. Người này đã có một số bài viết về vấn đề này trên Tia Sáng, Tiền Phong, và một số trang khác. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi đi dự trực tiếp một buổi tọa đàm thiên về lĩnh vực Khoa học Xã hội mà diễn giả là người có gốc nghiên cứu ở một lĩnh vực khác. Cụ thể là Vật lý và Hóa học. Tọa đàm bàn và tranh luận xung quanh các vấn đề như trí thức là gì, người trí thức là như thế nào, nghiên cứu khoa học là ra sao.... Ở đây tôi chỉ muốn ghi lại hai vấn đề đơn giản để đánh dấu sự kiện này như sau:
1. Diễn giả khẳng định rằng thời săn bắt hái lượm thì không có tri thức. Tri thức chỉ xuất hiện sau đó. Tôi tự hỏi thế con người thời đó làm sao sinh sống và tồn tại được. Nếu không có trí thức, làm sao người ta biết mùa nào thì hái quả nào để ăn, quả nào ăn được và quả nào không ăn được. Làm sao họ biết được săn con thỏ thì làm sao và săn con gấu thì phải làm thế nào? Làm sao họ có thể phối hợp được với nhau để cùng chiến với một con thú nào đó. Nếu những hiểu biết của con người thời đó không gọi là trí thức sao? Những hiểu biết như thế thì khác với cái trí thức ngày nay ta có sao?
2. Diễn giả khẳng định làm khoa học phải khách quan, người nghiên cứu không được thể hiện quan điểm cá nhân. Làm khoa học không cần sự đồng thuận của người khác vì làm khoa học không phải là bỏ phiếu. Tôi tự hỏi thế nào là khách quan, thế nào là chủ quan? Nếu không có những nhận xét chủ quan của nhiều người thì làm sao biết được vấn đề có khách quan hay không? Những cái Hội đồng Khoa học người ta lập ra để làm gì? Có phải là cơ hội để những thành viên thể hiện quan điểm chủ quan của mình về một vấn đề nghiên cứu nào đó, rồi nếu tất cả những ý kiến chủ quan đó giống nhau, đồng thuận nhau thì quyết định của họ đối với nghiên cứu kia sẽ trở nên khách quan? Rồi qui trình bình duyệt (peer-review) trong xuấn bản các bài báo khoa học là gì? Rõ ràng là nếu những người bình duyệt không đồng thuận với một bản thảo của một nghiên cứu nào đó, thì bài đó sẽ không được đăng mà. Vậy khách quan thể hiện ở chổ nào?
Suốt buổi tôi luôn tự cố trả lời cho mình là diễn giả này thuộc phái constructivism hay positivism. Nhưng tôi không thể tự tìm được câu trả lời. Ấn tượng mạnh nhất của tôi sau buổi tọa đàm là: Ôi chao, làm nhiều việc thuộc nhiều ngành khác nhau cùng lúc thật là khổ!
- 7593 views