Ai đã từng lâm vào hoặc nghe về sự thăng trầm của sinh viên PhD, chắc hẳn đều đồng ý rằng những chuỗi ngày làm PhD thật nhiều màu sắc. Có lẽ nó trở thành như thế một phần vì những người học phải đóng cả hai vai trò chính: vừa là sinh viên (phụ thuộc vào giáo viên hướng dẫn) lại vừa là một người đi làm. Có lẽ vì thế mà trong tiếng Việt ta hay nói là làm PhD, thay vì phải nói là học PhD vì PhD là một chương trình học.
Hôm trước tôi có nói chuyện với một anh bạn, người vừa làm xong PhD và đã có kết quả đậu. Anh ta nói rằng khi làm bài xong, anh ta có trở về Việt Nam và gặp lại nhiều bạn bè. Bên cạnh mái tóc bạc trắng và vóc dáng gầy đi, cách nói chuyện của anh đã được mọi người cho là có thay đổi lớn. Số là trước khi đi làm PhD, anh ta rất trẻ trung (đó là điều tôi nghe được từ anh ta vì tôi cũng đã hơn 7 năm rồi chưa gặp lại anh ta). Nhưng bốn năm của PhD đã làm cho tóc anh bạc trắng hầu như hoàn toàn. Bạn bè anh luôn hỏi anh tại sao lại cứ phải đi phân tích vấn đề ở nhiều mức độ như thế. Khi có công việc thì cần phải giải quyết, giải quyết xong vậy là được rồi. Sao cần phải hỏi là vì sao phải giải quyết như thế mà không phải là theo cách khác? Hay là vì sao phải nghĩ đến quan điểm của tất cả các đối tượng quan tâm xung quanh. PhD làm cho người ta trở nên nhỏ nhen vậy sao ?!
Một người bạn khác vừa mới nộp luận văn xong, với tinh thần đầy phấn khích nhưng hồi tưởng lại quá trình PhD 5 năm của mình, cô ta không khỏi than thở. Số là trong Giáo dục, thông thường thì người ta làm PhD trong 3-4 năm (ở Úc) còn cô này làm đến 5 năm. Như thế có nghĩa là cô này đã chia tay với rất nhiều người cùng khóa cũng như dự tốt nghiệp của họ. Sở dĩ cô ta phải kéo dài như thế là vì vấn đề sức khỏe. Sau khi làm PhD được khoảng 3 năm, cô ta phải nghỉ để điều trị chứng đau đầu. Việc này đã làm gián đoạn việc học của cô ta và đã có lúc cô nghĩ đến việc bỏ nữa chừng. Tuy nhiên, một lần nữa thực tế đã khẳng định là khó khăn thế nào thì cũng có lúc thành công.
Trái ngược với hai ví dụ trên, một người bạn khác đã kết thúc chương trình PhD của mình trong vòng 3,5 năm cùng với một bé trai kháu khỉnh. Có nghĩa là cô này đã vừa mang thai vừa sinh em bé và vừa làm PhD trong khoảng thời gian đó. Hình như là nếu sinh em bé trong quá trình học sẽ làm cho cuộc sống cân đối hơn và như thế tiến trình làm PhD sẽ nhanh hơn?! Dĩ nhiên sự so sánh này chỉ mang màu sắc khôi hài nhưng có lẽ một cuộc sống cân đối ở mức độ nào đó là cần thiết cho mỗi chúng ta, đặc biệt là đối với sinh viên PhD.
Những biến động về mặt thời gian như vậy xảy ra rất nhiều đối với sinh viên PhD. Vì thế gặp sinh viên PhD thì cố gắng đừng hỏi là khi nào thì xong! Câu hỏi này thường khó trả lời lắm, nhất là khi bản thân sinh viên còn chưa biết cụ thể họ đang định sẽ nghiên cứu cái gì, làm dưới hình thức nào. Nhưng chúng ta có thể hỏi như là khi nào thì học bổng kết thúc, cơ quan/gia đình cho đi học bao lâu, hoặc bao lâu thì hết tiền sài! Thăng trầm còn nhiều, tôi sẽ cố gắng mời các bạn và các anh chị khác chia sẽ thêm.
- 5698 views